NHỮNG ĐIỀU CẦN LÀM KHI THAY ĐỔI LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP

08/03/2021 1,885

Thời điểm đầu năm hoạt động, doanh nghiệp (DN) thường có những kế hoạch chiến lược liên quan đến việc chuyển đổi loại hình công ty (thành viên, cổ đông) để phù hợp với tình hình và kế hoạch phát triển kinh doanh, EMC xin tổng hợp các trường hợp được phép chuyển đổi loại hình và thủ tục liên quan (vấn đề sử dụng hóa đơn, thông tin tài sản doanh nghiệp sở hữu), giúp DN mạnh dạn triển khai các dự định của mình.

1. Các trường hợp được chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

Chuyển đổi các loại hình doanh nghiệp là việc làm thay đổi hình thức pháp lý của doanh nghiệp từ loại hình này sang một loại hình khác. So với quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 thì Luật Doanh nghiệp 2020 đã mở rộng thêm 02 trường hợp được phép chuyển đổi loại hình công ty, cụ thể là doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty cổ phần và công ty hợp danh.

* Chuyển đổi Công ty cổ phần (viết tắt: CP) thành Công ty TNHH một thành viên (viết tắt: MTV) khi:

- Một cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tương ứng của tất cả cổ đông còn lại;

- Một tổ chức hoặc cá nhân không phải là cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của tất cả cổ đông của công ty;

- Công ty chỉ còn lại 01 cổ đông.

* Chuyển đổi Công ty CP thành Công ty TNHH hai thành viên trở lên (viết tắt: HVT trở lên) theo các trường hợp sau đây:

- Chuyển đổi mà không huy động thêm hoặc không chuyển nhượng cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác;

- Chuyển đổi đồng thời huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;

- Chuyển đổi đồng thời chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác góp vốn;

- Kết hợp các trường hợp trên;

- Công ty chỉ còn lại 02 cổ đông.

Xem thêm: Dịch vụ thành lập công ty

*  Chuyển đổi Công ty TNHH HTV trở lên thành Công ty TNHH MTV khi:

- Một thành viên góp vốn nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tương ứng của tất cả thành viên góp vốn còn lại;

- Một tổ chức hoặc cá nhân không phải là thành viên góp vốn nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của tất cả thành viên góp vốn của công ty; …

* Chuyển đổi Công ty TNHH MTV thành Công ty CP khi Công ty:

- Huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;

- Bán toàn bộ hoặc một phần phần vốn góp cho một số tổ chức, cá nhân khác;

- Kết hợp các trường hợp trên.

* Chuyển đổi Công ty TNHH MTV thành Công ty TNHH HTV trở lên khi Công ty:

- Huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;

- Bán một phần phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác;

- Tặng cho một phần phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác, …

* Chuyển đổi Công ty TNHH HTV trở lên thành Công ty CP khi:

- Chuyển đổi mà không huy động thêm tổ chức, cá nhân khác cùng góp vốn, không bán phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác;

- Chuyển đổi bằng cách huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;

- Chuyển đổi bằng cách bán toàn bộ hoặc một phần phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác;

- Kết hợp các trường hợp trên.

* Doanh nghiệp tư nhân (viết tắt: DNTN) chuyển đổi thành công ty TNHH MTV, công ty TNHH HTV trở lên, công ty CP, công ty hợp danh khi đáp ứng các điều kiện:

- Doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

  • Không kinh doanh ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh;
  • Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định;
  • Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hợp lệ;
  • Nộp đủ lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

- Chủ DNTN cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;

- Chủ DNTN có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;

- Chủ DNTN cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của DNTN.

2. Về vấn đề sử dụng hóa đơn

* Đối với trường hợp doanh nghiệp thay đổi tên doanh nghiệp, nhưng không thay đổi địa chỉ trụ sở chính và cơ quan quản lý thuế trực tiếp mà vẫn còn hóa đơn đã thông báo phát hành

- Trường hợp muốn tiếp tục sử dụng thì phải làm thủ tục xử lý hóa đơn. Doanh nghiệp gửi thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp (mẫu số 3.13 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC).

Doanh nghiệp sẽ được sử dụng ngay hóa đơn đã được điều chỉnh sau khi gửi thông báo phát hành cho cơ quan thuế.

Sau khi điều chỉnh thay đổi hóa đơn thì doanh nghiệp phải niêm yết công khai thông báo điều chỉnh và mẫu hóa đơn đã được điều chỉnh tại các cơ sở sử dụng bán hàng hóa, dịch vụ.

- Trường hợp không muốn tiếp tục sử dụng nữa và muốn sử dụng hóa đơn mới thì thực hiện hủy các số hóa đơn chưa sử dụng và Thông báo phát hành hóa đơn mới

* Trường hợp doanh nghiệp thay đổi tên, địa chỉ dẫn đến làm thay đổi cơ quan quản lý thuế trực tiếp:

Xem thêm: Dịch vụ thành lập công ty

- Nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng số hóa đơn đã phát hành chưa sử dụng hết thì thực hiện như sau:

  • Nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn với cơ quan thuế nơi chuyển đi;
  • Đóng dấu địa chỉ mới lên hóa đơn, gửi bảng kê hóa đơn chưa sử dụng, thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế nơi chuyển đến và được sử dụng ngay hóa đơn.

- Còn nếu không muốn sử dụng nữa thì thực hiện huỷ các số hoá đơn chưa sử dụng; Thông báo kết quả huỷ hoá đơn với cơ quan thuế nơi chuyển đi và thực hiện Thông báo phát hành hoá đơn mới với cơ quan thuế nơi chuyển đến.

3. Thay đổi thông tin các tài sản đăng ký sở hữu bởi doanh nghiệp

Khi thay đổi loại hình doanh nghiệp nếu có thay đổi tên doanh nghiệp, các tài sản đăng ký sở hữu bởi doanh nghiệp cũng phải thay đổi, cập nhật theo tên mới. Doanh nghiệp cần thực hiện các công việc sau:

- Đối với giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe: thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe khi thay đổi các thông tin của chủ xe (tên chủ xe).

- Đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: đăng ký biến động đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Là đơn vị chuyên tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp, với hơn 10 năm kinh nghiệm về các vấn đề như: Tái cấu trúc doanh nghiệp, Hành nghề dịch vụ kế toán, Hỗ trợ các thủ tục pháp lý (bao gồm chuyển đổi loại hình doanh nghiệp cũng như các thủ tục pháp lý liên quan đến việc mở rộng và thu hẹp quy mô doanh nghiệp), Tư vấn quản lý doanh nghiệp theo yêu cầu, EMC giúp DN trở nên chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.