NỘP XONG BÁO CÁO TÀI CHÍNH ĐÃ AN TÂM CHƯA?

15/04/2021 3,091

Báo cáo tài chính (BCTC) là tài liệu trình bày hiện trạng tài chính và khả năng sinh lời của doanh nghiệp. BCTC được gửi đến các bên có liên quan* theo đúng thời hạn quy định của Pháp Luật, nhờ đó, các đơn vị này nắm bắt thực trạng của doanh nghiệp để đưa ra các quyết định quản trị, đầu tư, đồng thời hỗ trợ quản lý doanh nghiệp theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng lại ở bước nộp và nhận BCTC.

BCTC và trách nhiệm Pháp lý của doanh nghiệp

Việc gửi BCTC chỉ giải quyết được vấn đề đầu tiên đảm bảo về thời hạn nộp, theo đúng cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Dù hạn chế được rủi ro bị phạt do nộp chậm, doanh nghiệp phải đợi đến các đợt hậu kiểm mới đánh giá được mức độ đáp ứng quy định về Pháp luật của các thông tin cung cấp trên BCTC. Tùy vào kết quả phân loại rủi ro trong Quản lý Thuế Kế hoạch thanh tra hàng năm, cơ quan chức năng sẽ công bố quyết định thanh tra doanh nghiệp, nhưng không quá 1 lần trong 1 năm về cùng 1 nội dung. Như vậy, sau khi nộp BCTC, doanh nghiệp chỉ hoàn tất mặt hình thức, và vẫn đối mặt với các nguy cơ sai sót thông tin rất lớn từ BCTC. Các sai sót này có thể khiến doanh nghiệp bị loại bỏ chi phí trong các đợt thanh tra, bị truy thu thuế... về sau.

Nộp xong báo cáo tài chính, doanh nghiệp vẫn đối mặt nguy cơ bị loại bỏ chi phí và truy thu thuế

BCTC với các quyết sách về đầu tư và quản trị

Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đủ điều kiện thiết lập một bộ máy kế toán chuyên nghiệp, vì vậy, thông tin ghi nhận và hoạch toán trên BCTC còn thiếu trung thực và thiếu hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu. Ngoài ra, sự khác nhau về thời điểm ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, sự khác biệt về phương pháp kế toán và ước tính kế toán có thể khiến các thông tin cung cấp không đầy đủ, chính xác và kịp thời. Chính vì thế, để phác thảo bức tranh tổng thể, trung thực nhất về tình hình và triển vọng phát triển của doanh nghiệp, BCTC của doanh nghiệp cần được lập bởi đội ngũ kế toán giỏi. Trong nhiều chiến lược quan trọng, doanh nghiệp có thể xem xét thuê các bên kiểm toán độc lập để kiểm toán BCTC.

Doanh nghiệp có thể phải trả giá đắt nếu phụ thuộc vào các thông tin thiếu chính xác trên BCTC để đưa ra các quyết sách quản trị

Đã đến lúc doanh nghiệp cần quan tâm đúng mực đến công tác kế toán (bao gồm việc lập BCTC). Cần đặt công tác này quan trọng tương đương với các vấn đề mang tính chiến lược khác của doanh nghiệp như tìm kiếm khách hàng mới, chăm sóc khách hàng hiện hữu, phát triển mở rộng thị trường...

Đặc biệt, nên hạn chế xem BCTC là một công cụ để đối phó với cơ quan chức năng, nhất là cơ quan thuế, dẫn đến chỉ tiếp hành lập và nộp BCTC một cách đại khái, xuề xòa. Bởi chỉ có như thế, doanh nghiệp mới sở hữu được nguồn thông tin đáng tin cậy để phác thảo những chiến lược phát triển doanh nghiệp hiệu quả; hạn chế những hệ lụy không đáng có trong các đợt thanh tra quyết toán; đồng thời xây dựng được bộ hồ sơ năng lực chất lượng, đảm bảo yếu tố thành công khi tham gia đấu thầu các dự án lớn, các đợt chào bán công khai ra công chúng (IPO), hoặc những quyết định mở rộng quy mô phát triển khác.

3. Cần lưu tâm đúng mực công tác kế toán ngay từ đầu:

Khi thực trạng doanh nghiệp và nghĩa vụ của doanh nghiệp trước Pháp luật được cung cấp một cách “đầy đủ - chính xác - kịp thời” trên cơ sở “hợp lý - hợp lệ - hợp pháp”, công tác kế toán mới hoàn tất chức năng nhiệm vụ của mình. Chính vì thế, doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ kế toán giỏi chuyên môn hoặc ít nhất cần quan tâm đầu tư hồ sơ sổ sách kế toán đúng mực. 

Lưu tâm đúng mực vào công tác kế toán và báo cáo tài chính là xây dựng thành công nền móng vững chắc cho sự hưng thịnh và bền vững của doanh nghiệp.

Trong điều kiện nguồn lực hạn chế chưa thể đầu tư xây dựng một đội ngũ kế toán giỏi, doanh nghiệp có thể lựa chọn cộng tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán trọn gói do Bộ Tài Chính cấp chứng chỉ hành nghề. Vừa am hiểu bản chất của công tác kế toán, vừa liên tục nâng cao tay nghề chuyên môn trong thực tiễn công việc, các đơn vị này sẽ thay doanh nghiệp rà soát và xây dựng bộ hồ sơ sổ sách kế toán đạt chuẩn, cung cấp thông tin “đầy đủ - chính xác - kịp thời” và kiểm soát tối đa các rủi ro doanh nghiệp có nguy cơ đối mặt.

* Theo quy định của Pháp Luật, các bên liên quan bao gồm chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà cho vay, cơ quan chức năng như cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thống kê. Các doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có trụ sở nằm trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao còn phải nộp BCTC năm cho Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao nếu được yêu cầu.