NHỮNG QUY ĐỊNH KHÔNG THỂ KHÔNG BIẾT VỀ KẾ TOÁN & THUẾ
Việc hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ và mang lại nhiều cơ hội phát triển cũng như thách thức đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp trong nước. Vì thế các quy định của Pháp Luật về Kế toán, Thuế được càng ngày càng chặt chẽ hơn để tránh việc trốn thuế, thất thu thuế. Việc siết chặt các quy định của pháp luật về Kế toán và Thuế sẽ không tránh khỏi việc nhiều doanh không nắm rõ các quy định của pháp luật dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như truy tố hình sự, phạt tiền với số tiền lớn, … Dưới đây là một số các lưu ý mà Chủ doanh nghiệp, Giám đốc, Kế toán,… cần biết:
1. Các loại thuế doanh nghiệp phải nộp hàng quý, hàng năm.
a. Lệ phí môn bài: Nộp hằng năm, thời hạn nộp là 30/1. Mức đóng quy định như sau:
- Đối với Doanh nghiệp:
- Có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3 triệu đồng/năm.
- Có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2 triệu đồng/năm.
- Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1 triệu đồng/năm.
- Đối với Cá nhân, hộ gia đình:
- Có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1 triệu đồng/năm.
- Có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm.
- Có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.
b. Thuế GTGT: loại thuế được đánh vào giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ trong quá trình sản xuất, lưu thông, tiêu dùng. Thời hạn nộp thuế VAT: đối với trường hợp nộp theo quý là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên tính từ quý sau, còn đối với trường hợp nộp theo tháng là vào ngày 20 của tháng sau liền kề.
- Theo PP khấu trừ được tính = Số thuế VAT đầu ra – Số thuế VAT đầu vào (trong đó Thuế VAT đầu ra = Giá bán hàng hóa, dịch vụ x Mức thuế VAT; Thuế VAT đầu vào = Thuế VAT ghi trên hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ).
- Theo PP định mức: Số thuế VAT phải nộp = Doanh thu x Mức thuế suất định mức (Mức thuế suất định mức: Là tỷ lệ phần trăm được áp dụng để tính thuế VAT đối với doanh thu của doanh nghiệp, được quy định tại Điều 13 Nghị định 44/2023/NĐ-CP).
c. Thuế TNDN: Nộp hàng năm nếu doanh nghiệp có lãi. Thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN và nộp tiền thuế là ngày 31/3 hàng năm. Thông thường Thuế TNDN = 20% * lợi nhuận (Lợi nhuận = doanh thu – chi phí).
Trong đó:
- Doanh thu là toàn bộ khoản thu (tiền mặt, tài sản thu) từ quá trình buôn bán, cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Doanh thu chính là khoản thu nhập của doanh nghiệp thông qua hoạt động kinh tế của mình.
- Chi phí là toàn bộ các khoản chi phí phục vụ cho việc hoạt động sản xuất kinh doanh có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Những khoản chi phí thông thường được đưa vào khấu trừ khi quyết toán Thuế TNDN bao gồm:
- Chi phí sản xuất, kinh doanh: Bao gồm các chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ như: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp sử dụng cho sản xuất; Chi phí nhân công; Chi phí hao mòn tài sản cố định; Chi phí thuê nhà xưởng, kho bãi; Chi phí điện, nước, xăng xe, Chi phí bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị;…
- Chi phí quản lý: Bao gồm các chi phí liên quan đến việc quản lý hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ: Lương, thưởng cho ban lãnh đạo, cán bộ quản lý; Chi phí văn phòng phẩm, dụng cụ văn phòng; Chi phí điện thoại, internet; Chi phí đi lại, công tác; Chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho cán bộ quản lý;….
- Chi phí tiếp khách: Theo quy định của pháp luật kể từ ngày 01/01/2015:
- Nếu đơn vị phát sinh các khoản chi phí thực tế về tiếp khách môi giới, hoa hồng, khách tiết, hội nghị thì đề nghị KH lấy hóa đơn (Trên hóa đơn ghi rõ tên hàng hóa dịch vụ hoặc đính kèm bảng kê hàng hóa dịch vụ sử dụng) để đưa vào chi phí hợp lý. (Theo luật số 71/2014/QH)
Lưu ý: Các khoản chi phí để được khấu trừ cần đảm bảo các điều kiện sau:
- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt (tức khi thanh toán phải chuyển khoản qua ngân hàng)
d. Thuế TNCN:
- Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập chịu thuế * thuế suất ( theo biểu lũy tiến từ 5% đến 35%)
- Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập của người lao động – các khoản miễn giảm
Các khoản miễn giảm bao gồm:
+ Giảm trừ bản thân :11.000.000 đồng/ người/ tháng
+ Giảm trừ người phụ thuộc : 4.400.000 đồng/ người/ tháng
+ Các khoản giảm trừ khác như BHXH, ăn ca,…
Do đó Quý khách hàng lưu ý: Đối với khoản thu nhập chi trả cho nhân viên vượt quá 11.000.000 đồng/ tháng sẽ phát sinh thuế TNCN
Riêng đối với những cá nhân có thu nhập nhiều nơi thì khi chi trả cho người lao động từ 2 triệu đồng trở lên buộc phải khấu trừ 10% thu nhập để nộp thuế TNCN.
Ngoài ra còn: Thuế nhà thầu, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường (nếu có).
Lưu ý:
- Trường hợp chậm nộp các khoản thuế sẽ chịu lãi phạt chậm nộp tính bằng 0.03%* số tiền nộp chậm * số ngày. Nếu quá hạn 90 ngày thì cơ quan thuế sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế như cưỡng chế tài khoản ngân hàng, cưỡng chế hóa đơn,…
- Trường hợp chậm nộp các tờ khai thuế hàng quý hàng năm thì mức phạt chậm nộp tùy theo số ngày chậm nộp từ 2.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
2. Sổ sách kế toán, báo cáo
Sổ sách kế toán là hệ thống các sổ dùng để ghi chép, theo dõi, phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời và trung thực tình hình tài chính, hoạt động kinh tế của doanh nghiệp. Sổ sách kế toán bao gồm: Sổ cái, Sổ nhật ký chung, Sổ phụ ( là sổ dùng để ghi chép chi tiết các nghiệp vụ kinh tế như sổ bán hàng, sổ mua hàng, sổ chi phí,….).
Sổ sách kế toán là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp quản lý tài chính, phục vụ cho việc lập báo cáo tài chính, báo cáo thuế và các báo cáo khác theo quy định của pháp luật.
3. Quy định về BHXH, BHYT, BHTN:
- Đối tượng phải tham gia BHXH,BHYT,BHTN : Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên.
- Mức đóng bảo hiểm của người sử dụng lao động từ tháng là: 21.5%, cụ thể: BHXH: 17,5%, BHYT: 3%, BHTN: 1%, BHTN. Mức khấu trừ bảo hiểm vào lương của người lao động là : 10.5%.
- Mức lương tối thiểu vùng II Nha Trang năm 2023: 4.160.000 VNĐ/ tháng. Mức lương đóng BHXH cho nhân sự có bằng cấp = 107%* 4.160.000 = 4.451.200 đồng.
- Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.
4. Một số lưu ý khác:
- Trường hợp mua vào từ nhà cung cấp có xuất hóa đơn lưu ý phải thanh toán qua chuyển khoản đối với những hóa đơn từ 20 triệu trở lên.
- Khi thanh toán khách hàng lưu ý ghi rõ tên nhà cung cấp trên nội dung thanh toán chuyển khoản để kế toán xác định đúng đối tượng.
- Đặc biệt lưu ý trong trường hợp giao dịch mua bán dùng tài khoản cá nhân của chủ doanh nghiệp nên kê khai và nộp thuế đầy đủ. Trường hợp khách hàng thanh toán vào tài khoản công ty buộc phải xuất hóa đơn đầy đủ.
- Thời điểm xuất hóa đơn dịch vụ là thời điểm nhận tiền hoặc ngay sau khi khách hàng sử dụng xong dịch vụ.
Công ty Tư Vấn Quản Lý Doanh Nghiệp (viết tắt là EMC) chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực tài chính kế toán, nhân sự và kiến thức chiến lược. Chúng tôi được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động hành nghề dịch vụ kế toán. Quý khách hàng có thể tự tổ chức bộ máy kế toán hoặc thuê dịch vụ từ các công ty hành nghề kế toán được Nhà nước chứng nhận. Việc sử dụng dịch vụ của công ty uy tín sẽ giúp đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.